ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ VẤN ĐẤU THẦU
CƠ SỞ PHÁP LÝ:
-
Luật doanh nghiệp 2020; kèm các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành;
-
Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 03/2016/QH14 ngày 22 tháng 11 năm 2016 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2017;
-
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp;
-
Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;
-
Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT ngày 25/01/2019 quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
-
ĐIỀU KIỆN VỀ CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP
Các yếu tố cần có để một tổ chức, cá nhân có thể thành lập doanh nghiệp bao gồm[1]:
-
Một địa chỉ có quyền sử dụng hợp pháp trong kinh doanh để làm địa chỉ công ty. Địa chỉ này có thể thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân, hoặc được thuê, mượn (Có hợp đồng chuyển nhượng, thuê, mượn hợp pháp).
-
Chuẩn bị các thông tin doanh nghiệp tổ chức, cá nhân dự kiến đăng ký. Xuất phát từ việc, khi thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp tổ chức, cá nhân sẽ phải thể hiện đủ thông tin trong nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cụ thể: Tên doanh nghiệp là gì (bao gồm tên tiếng Việt (tránh đặt tên gây trùng lặp, nhầm lẫn với các tên thương mại đã được đăng ký trước đó), tên tiếng Anh, và tên viết tắt); vốn điều lệ công ty là bao nhiêu, doanh nghiệp do ai là người đại diện pháp luật, …
-
Tiếp đó là chuẩn bị giấy tờ liên quan đến thành viên góp vốn (đối với công ty Trách nhiệm hữu hạn), cổ đông sáng lập (đối với công ty Cổ phần), chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên: Bản sao Hộ chiếu hoặc Căn cước công dân hoặc Giấy tờ pháp lý tương đương.
-
Chuẩn bị thông tin danh sách về phần vốn góp của các cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn (chiếm tỉ lệ bao nhiêu % trên tổng vốn điều lệ); thời hạn góp vốn của các thành viên, cổ đông sáng lập.
-
Ngoài ra, khi bắt đầu thực hiện thủ tục thành lập doanh nghiệp thì mỗi bước thủ tục sẽ có những loại giấy tờ, những yêu cầu nhất định về công việc thực hiện khác nhau.
*Các bước thực hiện thủ thành lập doanh nghiệp bao gồm:
Bước 1: Thuê hoặc mượn địa chỉ trụ sở và chuẩn bị thông tin đăng ký doanh nghiệp.
Bước 2: Thành viên góp vốn thông qua và ký hồ sơ đăng ký doanh nghiệp
Bước 3: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp[2], đăng ký chữ ký số điện tử, đăng ký hóa đơn điện tử, đăng ký khai và nộp thuế online tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (dichvuthongtin.dkkd.gov.vn).
Tại bước này, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh, dịch vụ bưu chính hoặc qua mạng thông tin điện tử[3].
Bước 4: Khắc dấu tròn doanh nghiệp.
Bước 5: Mở tài khỏan ngân hàng của doanh nghiệp.
Bước 6: Treo biển hiệu và bắt đầu vào kinh doanh tại trụ sở chính.
Lưu ý: Đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tư vấn đấu thầu, ngành nghề kinh doanh khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực này theo quy định của Luật đấu thầu 2013, Luật doanh nghiệp 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật có hữu quan bắt buộc có các ngành nghề liên quan đến đại lý đấu thầu hoặc tư vấn đấu thầu. Vậy nên, khi các tổ chức, cá nhân xây dựng danh mục ngành nghề, công việc kinh doanh cần lưu ý tới vấn đề này, cần đối chiếu với quy định về ngành nghề hoạt động, kinh doanh tại Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.
-
ĐIỀU KIỆN SAU KHI ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ KINH DOANH
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, để có thể hoạt động trong lĩnh vực đấu thầu, đặc biệt là các công việc liên quan đến tư vấn đấu thầu, theo quy định tại Điều 11 Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT:
“Điều 11. Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu
1. Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được cấp cho cá nhân sau đây khi phải trực tiếp thực hiện các nội dung công việc theo quy định tại khoản 2 Điều 16 Luật đấu thầu:
a) Cá nhân thuộc doanh nghiệp hoạt động tư vấn đấu thầu hoặc đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu; cá nhân hoạt động tư vấn độc lập về đấu thầu;
b) Cá nhân thuộc ban quản lý dự án chuyên nghiệp: là các ban quản lý dự án chuyên ngành, ban quản lý dự án khu vực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc ban quản lý dự án được thành lập để thực hiện công tác quản lý dự án chuyên nghiệp, quản lý cùng lúc nhiều dự án hoặc các dự án kế tiếp, gối đầu, hết dự án này đến dự án khác;
c) Cá nhân thuộc đơn vị mua sắm tập trung chuyên trách: là đơn vị được thành lập để chuyên trách thực hiện việc mua sắm tập trung và hoạt động mua sắm mang tính thường xuyên, liên tục;
d) Cá nhân khác có nhu cầu.
2. Cá nhân quy định tại các điểm a, b, c Khoản 1 Điều này, khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động sau đây phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu:
a) Lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu;
b) Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất.
Các cá nhân tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều này khi tham gia trực tiếp vào các hoạt động: lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
Điều này đồng nghĩa với việc khi doanh nghiệp được thành lập, muốn đi vào hoạt động trog lĩnh vực tư vấn đấu thầu cần có các nhân viên – người trực tiếp thực hiện hoạt động quy định tại khoản 2 nêu trên cần có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
*Quy định liên quan đến chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu:[4]
Chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu được cấp cho các cá nhân có nhu cầu để tham gia trực tiếp vào hoạt động lựa chọn nhà thầu gồm: Lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; Đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả mời quan tâm, kết quả mời sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu.
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu: Có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản; Tốt nghiệp đại học trở lên; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Có kinh nghiệm làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; Đạt kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.
Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày công bố kết quả thi hoặc kết quả phúc khảo, cá nhân đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.
[1] (Theo nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp)
[2] Căn cứ Điều 21, 22 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì hồ sơ thành lập doanh nghiệp loại hình: Công ty TNHH, công ty cổ phần sẽ cần chuẩn bị các tài liệu sau trong hồ sơ sau (theo mẫu của Nghị định 01/2021/NĐ-CP):
-
Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
-
Điều lệ thành lập doanh nghiệp.
-
Danh sách thành viên góp vốn / Danh sách cổ đông sáng lập.
-
Bản sao CCCD, hộ chiếu còn hiệu lực của người thành lập doanh nghiệp.
-
Danh sách người đại diện theo ủy quyền (Nếu có).
-
Giấy ủy quyền của Người đại diện theo pháp luật cho người đi nộp hồ sơ.
[3] Theo khoản 1 Điều 26 Luật doanh nghiệp 2020
[4] Căn cứ theo quy định tại Thông tư 04/2019/TT-BKHĐT ngày 25/01/2019 quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu
Nguồn: Sưu tầm.