VĂN BẢN NỔI BẬT TUẦN 18 NĂM 2023
Ban hành mới mẫu hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 04/5/2023 ... là những nội dung nổi bật tại các văn bản mới được cập nhật từ ngày 01 - 07/5/2023.
-
Mẫu hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 03/5/2023, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 5/2023/TT-BNV hướng dẫn mẫu hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, mẫu hợp đồng lao động đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm các nội dung chính sau:
- Thông tin của người sử dụng lao động và người lao động;
- Thông tin về công việc, vị trí việc làm và thời hạn hợp đồng;
- Quyền và nghĩa vụ của người lao động;
- Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động;
- Các trường hợp tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động;
- Các phương thức giải quyết tranh chấp;
- Điều khoản thi hành;
- Chữ ký, đóng dấu của các bên.
Xem chi tiết mẫu hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại Thông tư 5/2023/TT-BNV có hiệu lực thi hành từ ngày 20/6/2023.
-
Tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 04/5/2023
Ngày 04/5/2023, Bộ Công thương ban hành ban hành Quyết định 1062/QĐ-BCT quy định về giá bán điện.
Theo đó, tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt từ ngày 04/5/2023 với các mức cụ thể như sau:
- Bậc 1: Giá bán điện là 1.728 đồng/kWh cho kWh từ 0 – 50 (tăng 100 đồng/kWh)
- Bậc 2: Giá bán điện là 1.786 đồng/kWh cho kWh từ 51 – 100 (tăng 52 đồng/kWh)
- Bậc 3: Giá bán điện là 2.074 đồng/kWh cho kWh từ 101 – 200 (tăng 60 đồng/kWh)
- Bậc 4: Giá bán điện là 2.612 đồng/kWh cho kWh từ 201 – 300 (tăng 76 đồng/kWh)
- Bậc 5: Giá bán điện là 2.919 đồng/kWh cho kWh từ 301 – 400 (tăng 85 đồng/kWh)
- Bậc 6: Giá bán điện là 3.015 đồng/kWh cho kWh từ 401 trở lên (88 đồng/kWh)
Lưu ý: Giá bán lẻ điện sinh hoạt nêu trên chưa bao gốm thuế giá trị gia tăng.
3. Hướng dẫn mới về đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả
Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.
Theo đó, hướng dẫn về các đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả như sau:
- Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy định tại Khoản 1 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo.
- Văn bản hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
- Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu quy định tại Khoản 3 Điều 15 Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:
+ Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành công việc;
+ Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất;
+ Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội;
+ Khái niệm là ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng;
+ Nguyên lý là định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối một loạt hiện tượng, là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu quan trọng và được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác.
Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2023.
4. Bổ sung thủ tục điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA
Ngày 04/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2023/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Theo đó, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi, nội dung cụ thể như sau:
Trong quá trình lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, trường hợp có thay đổi so với nội dung chính Đề xuất dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ quản thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án như sau:
- Trường hợp điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi tỷ giá; giảm vốn ODA, vốn vay ưu đãi và không làm thay đổi các nội dung chính khác của Đề xuất chương trình, dự án quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 13 Nghị định 114/2021/NĐ-CP: Cơ quan chủ quản không phải thực hiện điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án;
- Trường hợp thay đổi các nội dung chính của Đề xuất chương trình, dự án quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 13 Nghị định 114/2021/NĐ-CP và không làm tăng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ quan chủ quản gửi văn bản và báo cáo về lý do điều chỉnh để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
- Trường hợp tăng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi: Cơ quan chủ quản xây dựng Đề xuất chương trình, dự án và thực hiện trình tự, thủ tục tại Khoản 2 Điều 13 Nghị định 114/2021/NĐ-CP; Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền và thời gian quyết định điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 114/2021/NĐ-CP, trong hồ sơ làm rõ lý do và các nội dung điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án;
- Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, chương trình đầu tư công; chương trình, dự án đầu tư nhóm A; chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: Không phải thực hiện điều chỉnh Đề xuất chương trình, dự án theo quy định nêu trên.
Nghị định 20/2023/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/3/2022.
Trên đây là toàn bộ nội dung, thông tin liên quan đến các Văn bản pháp luật nổi bật của tuần 18 năm 2023 mà Asialaw đem tới cho Quý đọc giả. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ qua email: son.nguyen@asialaw.com.vn / tuvan.asialaw@gmail.com hoặc số điện thoại: 024.2212.9687/0987.0101.87.
Trân Trọng!
Nguồn: sưu tầm